Nhóm Sinh học dược

Giới thiệu chung

 

Thực tế hiện nay cho thấy rằng tỷ lệ người mắc các căn bệnh liên quan đến vấn đề chuyển hóa trong cơ thể và những loại bệnh mãn tính khác đang gia tăng theo từng ngày trên toàn thế giới, bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng không phù hợp, lối sống không lành mạnh cùng với sự ô nhiễm của môi trường và thực phẩm. Với thực trạng đó, nhiều loại thuốc đã được nghiên cứu và sản xuất để phục vụ cho quá trình điều trị. Mặc dù những phương pháp trị liệu này có tác dụng và hiệu quả chữa trị tức thời, nhưng chúng đồng thời cũng gây nên các tác dụng phụ ngoài ý muốn và hiện tượng kháng thuốc do quá trình điều trị kéo dài và tăng liều. Vì thế, nghiên cứu và phát triển những phương pháp điều trị thay thế mới với độ an toàn và tính hiệu quả cao khi sử dụng dài lâu với tác dụng phụ không đáng kể là điều luôn cần thiết. Đáng chú ý, thực vật là một nguồn giàu các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học và đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ rất lâu. Cho đến nay, nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học từ chúng đã được chứng minh với khả năng cao về kháng viêm, kháng dị ứng, kháng ung thư, béo phì, tiểu đường, kháng vi sinh…Vì vậy, thực vật là nguồn triển vọng trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có thể bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách an toàn và lâu dài.

 

 

Định hướng nghiên cứu

 

Dị ứng là phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch trong cơ thể chống lại những chất bình thường vô hại tồn tại trong môi trường xung quanh. Trong đó, các dưỡng bào đóng vai trò chủ đạo trong phản ứng dị ứng. Sự hoạt hóa của các dưỡng bào có thể được bắt đầu thông qua sự liên kết chéo của phân tử IgE với thụ thể FcεRI trên bề mặt tế bào. Từ đó, một loạt các đáp ứng nội bào diễn ra trong dưỡng bào, bao gồm sự kích hoạt các enzyme tyrosine kinase như Syk và Fyn, enzyme phospholipid Phospholipase Cγ (PLCγ), chất gắn kết liên kết với Grb2 (Gab2), yếu tố nhân (NF)-κB, sự sản suất các gốc oxy hóa (ROS), sự gia tăng của ion canxi (Ca2+) nội bào, sự polimer hóa các vi ống, và sau cùng là quá trình thoát bọng. Sau phản ứng, một loạt các chất trung gian được giải phóng ra như histamine, proteases, và các cytokines, gây ra các biểu hiện như ngứa, co thắt đường thở, sản sinh dịch nhầy và sự huy động các tế bào đáp ứng viêm khác. Theo cơ chế đó, nhóm nghiên cứu của chúng tôi tập trung nghiên cứu các tác nhân có khả năng chống đáp ứng dị ứng có nguồn gốc từ thiên nhiên, làm cơ sở để phát triển các sản phẩm có thể ngăn ngừa và điều trị dị ứng.

 

 

Hình. Các “target” tiềm năng cho nghiên cứu kháng dị ứng

 

 

Cơ cấu nhân sự

 

 

PGS. TS. Võ Thanh Sang

PGS. TS. Võ Thanh Sang

Chuyên viên nghiên cứu kiêm Giảng viên
ThS. Nguyễn Hoàng Nhật Minh

ThS. Nguyễn Hoàng Nhật Minh

Nhân viên nghiên cứu khoa học
CN. Lê Thị Thanh Nga

CN. Lê Thị Thanh Nga

Nhân viên nghiên cứu khoa học
CN. Mạch Bảo Ngọc

CN. Mạch Bảo Ngọc

Nhân viên nghiên cứu khoa học

 

Thông tin liên hệ: vtsang@ntt.edu.vn