Hội nghị nấm học Toàn quốc là sự kiện khoa học thường niên uy tín do Hội Nấm học Việt Nam tổ chức, giúp các nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp từ khắp nơi trao đổi, hợp tác nghiên cứu cũng như chuyển giao công nghệ nuôi trồng, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu. Để kết nối với các nhà khoa học và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nấm học, nhóm nghiên cứu thuộc Viện kỹ thuật công nghệ cao NTT (Nhóm) đã tham dự Hội nghị Nấm học toàn quốc lần VI, tổ chức từ 7/11/2024 – 9/11/2024 tại Khách sạn Minh Toàn Galaxy, 306 Đường 2 tháng 9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng (Hình 1). Hội nghị diễn ra chính thức vào ngày 08/11/2024 với phiên toàn thể diễn ra vào buổi sáng và phiên chuyên đề vào buổi chiều. Ngày 09/11/2024, đoàn đại biểu tham quan các nơi sản xuất nấm tại Đà Nẵng theo lịch trình của hội nghị. Hội nghị Nấm học toàn quốc đã thu hút gần 500 đại biểu tham gia với khoảng 60 bài báo cáo bao quát các các lĩnh vực của ngành Nấm học như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu nuôi trồng – sản xuất nấm.
Danh sách các cán bộ của Viện tham gia chuyến công tác như sau:
- Nguyễn Thị Khoa Chuyên viên nghiên cứu kiêm Giảng viên – Viện CNC
- Nguyễn Thị Phương Chuyên viên nghiên cứu – Viện CNC
- Phạm Trường Hải Kỹ thuật viên – Viện CNC
- Nguyễn Thị Bửu Châu Kỹ thuật viên – Viện CNC
Hình 1. Buổi tham dự của đoàn cán bộ Viện tại Hội nghị Nấm học toàn quốc lần VI, tổ chức tại Khách sạn Minh Toàn Galaxy, Đà Nẵng.
Trong hội nghị, nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả nghiên cứu dạng báo cáo trực tiếp về nghiên cứu nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris trên các cơ chất khác nhau nhằm tạo ra sản phẩm đông trùng hạ thảo có hàm lượng dinh dưỡng và hoạt tính sinh học cao và sử dụng đông trùng hạ thảo như nguồn enzyme thủy phân tổ yến tạo ra các sản phẩm nước uống dinh dưỡng; báo cáo poster về nuôi trồng, chiết xuất và thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn trên vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus kháng kháng sinh của nấm Vân chi đỏ; nghiên cứu tạo ra sản phẩm đồ uống lên men Kombucha từ sữa đậu nành và sữa chua từ sữa dừa lên men bằng nấm Kefir có hoạt tính sinh học cao (Hình 2).
Hình 2. Đoàn cán bộ Viện tham gia báo cáo các kết quả nghiên cứu tại Hội nghị Nấm học toàn quốc.
Thông qua hội nghị, các nghiên cứu của Nhóm đón nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các đại biểu và doanh nghiệp tham gia. Điển hình là báo cáo trực tiếp được các đại biểu và các doanh nghiệp trồng Đông trùng hạ thảo và nuôi Tổ yến trao đổi thêm về kinh nghiệm và kết quả đạt được từ nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu. Nghiên cứu về hướng nấm dược liệu của nhóm cũng nhận được đánh giá cao thông qua Giải báo cáo poster xuất sắc (Hình 3). Thông qua việc trình bày kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã giới thiệu các thành tựu mà nhóm đã đạt được nhờ sự đầu tư của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành như các thiết bị/công nghệ, các công bố trên các tạp chí Quốc tế uy tín và Bằng sáng chế.
Hình 3. Hình ảnh báo cáo trực tiếp của TS. Nguyễn Thị Khoa và Giải Báo cáo poster xuất sắc của ThS. Nguyễn Thị Phương
Trong chuyến công tác này, Nhóm nghiên cứu rất vinh dự khi được nghe các chia sẻ của các nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực Nấm học, đặc biệt là nghiên cứu của GS. TS. Mary Catherine Aime (Nguyên Chủ tịch Hội Nấm học Hoa Kỳ, thành viên BCH Hội Nấm học) và GS. TS. Yoichi Honda (Khoa Sau đại học về Nông nghiệp, Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã chia sẻ các thành tựu của nhóm thông qua các báo cáo liên quan đến nghiên cứu sinh thái Nấm và các nghiên cứu chuyên sâu về nghiên cứu phân tử trên đối tượng Nấm. Nhóm cũng được nghe các báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực của ngành Nấm học thuộc ba tiểu ban. Các chủ đề này rất gần với các hướng của nhóm nghiên cứu tại Viện như chiết xuất và thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn/kháng ung thư của các loại nấm dược liệu; nghiên cứu nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris trên các cơ chất khác nhau nhằm tạo ra sản phẩm đông trùng hạ thảo có hàm lượng dinh dưỡng và hoạt tính sinh học cao; thử nghiệm sản xuất thực phẩm có nguồn gốc từ nấm ăn… Đây đều là các hướng nghiên cứu mạnh của nhóm đã được công bố thông qua các bài báo trên các tạp chí Quốc tế uy tín và Bằng sáng chế.